Daniel Wellington Việt Nam

Những thiết kế đồng hồ trong bộ sưu tập “Arceau Cheval d’Orient” của Hermès

Vừa qua, ông Philippe Delhotal ­− Giám đốc Sáng tạo và Phong cách của La Montre Hermès cùng nghệ nhân Nathalie Rolland Huckel đã có chuyến thăm Hà Nội mang theo những mẫu đồng hồ tuyệt tác trong bộ sưu tập “Arceau Cheval d’Orient“. Và một lần nữa, những sáng tạo của Hermès lại chiếm trọn cảm tình của giới mộ điệu thời trang thủ đô.

Ông Philippe Delhotal – giám đốc sáng tạo và phong cách của La Montre Hermès

– Đối tượng khách hàng mà Hermès hướng tới cho bộ sưu tập đồng hồ “Arceau Cheval d’Orient” là những ai?

– Đối tượng khách hàng chúng tôi hướng đến trước tiên là những người quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ, những nhà sưu tầm am hiểu về nghệ thuật. Họ không hẳn là chuyên gia, nhưng am hiểu nhất định về ngành chế tác đồng hồ. Đó là một lĩnh vực có tiếng vang lớn và mới mẻ với những sản phẩm giống như các tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.

Vài năm trở lại đây, Hermès đã đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật thủ công mỹ nghệ và chúng tôi biết đến các nhà sưu tập lớn, những người sở hữu các món đồ hiếm và quý. Đồng thời, chúng tôi mong muốn được đóng góp vào việc duy trì và bảo tồn ngành thủ công mỹ nghệ này. Đây cũng là một trong số các nhiệm vụ của chúng tôi. Hiện tại có rất nhiều nghệ nhân trẻ đang làm việc tại nhà Hermès.  

Ông Philippe Delhotal – Giám đốc Sáng tạo và Phong cách của La Montre Hermès

– Điều gì làm nên sự khác biệt của những mẫu đồng hồ mà Hermès mang tới?

– Có hai điều cần phải bàn đến:

Thứ nhất, những hình vẽ được thực hiện bằng kỹ thuật từ ngành nghề mỹ nghệ là yếu tố quan trọng nhất làm nên sự khác biệt. Ví dụ, “Arceau Cheval d’Orient” là bộ sưu tập do nghệ nhân Nathalie thiết kế với những hình vẽ riêng cho nhà Hermès. Các nhà sáng tạo nghệ thuật làm việc cùng chúng tôi dựa trên những hình vẽ đặc thù của nhà Hermès tồn tại từ cách đây hàng chục năm. Từ đó, khách hàng chỉ cần nhìn vào hình vẽ trên các sản phẩm là có thể dễ dàng nhận diện dấu ấn của Hermès.

Thứ hai, không thể không nhắc tới tính sáng tạo – sự độc đáo của các mẫu mã không bị bó buộc trong sự tầm thường. Như mẫu đồng hồ Médor hay Kelly mô phỏng hình dáng những thiết kế túi xách nổi tiếng nhà Hermès, đó là những dòng sản phẩm đặc biệt và rất có tiếng vang. Sự sáng tạo trong các sản phẩm của Hermès được thể hiện qua đường nét, phong cách, hình dáng, sự thanh lịch, trang nhã và độc đáo. Ví dụ, chiếc đồng hồ tôi đang đeo, các con số trên mặt đồng hồ có font chữ rất lạ mà bạn không thể tìm thấy trên bất kỳ sản phẩm của nhãn hàng nào khác. 

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy điểm chung trong các sản phẩm của Hermès là tính đơn giản mà tinh tế, tính sáng tạo rất riêng mang đến giấc mơ, khát khao sở hữu cho mọi người. 

Nghệ nhân Nathalie Rolland-Huckel

Nghệ nhân Nathalie Rolland-Huckel 

– Là nghệ nhân đã cộng tác lâu năm với Hermès mang đến những bộ sưu tập thuộc dòng sản phẩm bàn ăn (bát, đĩa, ly,…) với những nét vẽ mang đậm tính nghệ thuật, vậy lý do gì khiến bà nhận lời thực hiện bộ sưu tập “Arceau Cheval d’Orient”?

– (Cười) Rất đơn giản, ông Phillipe Delhotal – Giám đốc Sáng tạo và Phong cách tại La Montre Hermès – đã đến xưởng tìm tôi và hỏi liệu tôi có thể thực hiện bộ sưu tập này không, và tôi đã… liều lĩnh nhận lời. 

– Khi thực hiện bộ sưu tập đồng hồ này, chắc hẳn bà đã gặp không ít thách thức, khó khăn?

– Khi ông Philippe đề nghị tôi đảm nhận bộ sưu tập đồng hồ “Arceau Cheval d’Orient”, tôi không nghĩ mình có thể thực hiện các hình vẽ trên bề mặt nhỏ như vậy (đường kính mặt đồng hồ là 30mm). Thách thức đặt ra cho tôi là phải làm việc trên một “không gian sáng tạo” vô cùng hạn hẹp, nhưng điều đó thực sự rất thú vị. Tôi lại được thử thách bản thân với một lĩnh vực hoàn toàn mới – chế tác đồng hồ.

Công đoạn lựa chọn màu sắc cho các hình vẽ trên mặt đồng hồ

– Bà có thể chia sẻ đôi chút về những nguồn cảm hứng sáng tạo khi bà thiết kế các bộ sưu tập cho dòng sản phẩm bàn ăn của Hermès? 

– Tôi không phải người duy nhất thực hiện bộ sưu tập cho bàn ăn của Hermès. Chúng tôi không giới thiệu những bộ sưu tập mới theo định kỳ hàng năm, nhưng các ý tưởng thì không bao giờ cạn kiệt với nguồn cảm hứng vô tận từ bảo tàng Hermès. 

– Điều gì đã khơi nguồn niềm đam mê dành cho chất liệu sơn mài trong các sản phẩm của bà?

– Tôi luôn bị mê hoặc bởi những chiếc ví inrô của Nhật là chất liệu sáng tạo rất quen thuộc của các nghệ sĩ sơn mài Nhật Bản vào thế kỷ 18. Tôi từng học ngành gốm sứ, nhưng lịch sử gốm sứ và sơn mài có những điểm tương đồng với nhau. 

Thực hiện: Tuấn Anh

logo

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.