Daniel Wellington Việt Nam

Nhận ra họ không khó, bởi xung quanh bọn họ luôn hiện diện những phụ tùng xa xỉ. Nào là xe hơi đời mới nhất, nào là người mẫu chân dài nhất… Tất nhiên, nếu là quan chức đang âm thầm phấn đấu trên hoạn lộ thì sẽ mang vẻ kín đáo hơn. Nhưng dù là bất cứ ai thì trên cổ tay của họ luôn đeo một loại đồng hồ nào đó, cực kỳ cao cấp. 


 

Theo vài sử liệu đáng tin thì một trong những vật dụng đầu tiên của nền văn minh cơ khí phương Tây được đàn ông Việt làm quen, đấy chính là cái đồng hồ. Khoảng cuối thế kỷ 16, những thương gia Hòa Lan rồi những giáo sĩ người Bồ, khi bắt buộc phải ra mắt các quan trấn thủ ở các thương cảng lớn như Hội An hay Phố Hiến, thì trong mấy hộp quà nửa biếu nửa hối lộ bao giờ cũng có một chiếc Sa lậu hoặc Tự minh chung (đồng hồ cát và đồng hồ chạy cót). Ngoài công năng đo đếm thời gian, mỗi chiếc đồng hồ đó, hoặc vỏ bọc bạc ròng hoặc bằng gỗ quý được chạm khắc tỉ mỉ, xứng đáng là những kiệt tác trang sức.

Gần đây, có cuộc trưng bày di sản phố cổ tại Hà Nội, người xem choáng váng với những chiếc đồng hồ tinh xảo vô cùng mỹ thuật, đỉnh cao của ngành cơ khí thủ công tài hoa châu Âu. Đặc biệt có một cái tạo dáng khung bằng gỗ theo kiểu “Khải hoàn môn” mang xuất xứ từ nhà một ông thượng thư. Người cao cấp có khác. Đồ dùng của họ, hoặc to như dinh thự hoặc nhỏ như đồng hồ đều đẫm đầy tinh tế quý phái, mang đậm dấu ấn độc đáo của chủ nhân. Người xưa, kể cả thời mạt, khi đã làm đến thượng thư thì ngoài một dầy dặn tài sản, đa phần bọn họ đều cuồn cuộn văn hóa. Quý vật đương nhiên chỉ thuộc sở hữu của quý nhân.
 
Cho tới khi người Pháp thực dân xong nước ta (chừng đầu thế kỷ 20) thì thói quen dùng đồng hồ đếm theo hệ Dương lịch đã hẳn hoi trở thành nếp văn hóa sinh hoạt của nhiều đàn ông thị dân có tiền. Thậm chí có những thời, đồng hồ còn là tiêu chí để định giá trị chính người đeo nó. Hồi Hà Nội bao cấp, đang sắp sửa loạng choạng đổi mới, trong đám thiếu nữ trung lưu loay hoay kén chồng có truyền khẩu một bài đồng dao mà mở đầu là “Một yêu anh có Sen kô. Hai yêu anh có Pô giô cá vàng”. Peugeot “cá vàng” là cái xe máy, còn Seiko là đồng hồ Nhật. Đại loại, đây là hai thứ hàng hiệu tối tân của thời trong trắng vất vả, có sứ mệnh tiên phong đi chinh phục trái tim hôn nhân của vô số người đẹp.
 
Thực ra trước thời “xài” đồng hồ Nhật, ở các đô thị lớn vẫn lác đác có những thương hiệu “khủng”. Tất nhiên, đây là những thứ trang sức tuyệt phẩm xa xỉ, thường chỉ thấy ở đám tư sản cũ còn giấu được một ít của chìm. Hoặc ở những cán bộ nhà nước mới phất kiểu như thủ kho hay cửa hàng trưởng cửa hàng quốc doanh mậu dịch. Còn lại phần đông những người tàm tạm có tiền đều dùng đồng hồ Nga. Quý ông đeo Poljot, quý bà đeo Slava. Một phần là bởi tâm lý mà như nhà thơ Việt Phương rưng rưng mô tả “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ. Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”. Một phần là hầu hết đồng hồ Nga đều nặng nề mạ một lớp vàng thật. Đám “phe phẩy” chuyên nghiệp ở chợ Giời, ở Cửa Nam đều thành thạo phân kim (thuật ngữ trong nghề gọi là ăn vỏ). Lấy lớp vàng dầy ra, sau đấy mạ lại bằng một lớp mỏng hơn, rồi bán nguyên giá cho những tay đàn ông hãnh tiến mới kiếm được tiền.

Và không hiểu sao, phần lớn đám đàn ông bị đeo đồng hồ “ăn vỏ” này luôn thích bọc răng vàng. Khi ở chỗ đông người, đặc biệt có sự hiện diện của phụ nữ, bọn họ thường vô cớ cười tươi. Kha khá nhiều quý cô con nhà tử tế đã xao lòng trước những nụ cười lấp lánh một màu vàng quyến rũ ấy. Ngày nay mốt trang sức bịt răng vàng bị coi là kệch cỡm khoe của nên thất truyền. Hà Nội giờ đây bỗng dưng như vô cảm, ra ngoài đường chỉ thấy nhan nhản đàn ông làm vẻ cao đạo sành điệu ngậm miệng.

nguyen-viet-ha

Bây giờ, vài nam đại gia người Việt dùng đồng hồ cao cấp cứ giống như đi mượn. Những người đeo nó không hẳn vì quý trọng thời gian. Có lẽ đơn giản bọn họ chỉ muốn khẳng định một thứ đẳng cấp. Có điều, cái “đẳng cấp” ấy vẫn đang loay hoay mù lòa định hướng. Hôm rồi, một thương gia trẻ ở Sài Gòn, không đến nỗi quá thất bại trên thương trường, vừa tủi thân vừa chân thành có viết một cuốn sách “Mr. Thất bại” (NXB Văn hóa TT-2013). Anh ta bị đồng nghiệp “ném đá” tơi bời vì dám vạch ra những sự rỗng tuyếch của các “the Great Gatsby” mang thương hiệu Việt. Cuốn sách hay dở đúng sai chưa bàn, chỉ biết nó phản ánh một hiện thực hình như có thật.

Có lẽ vì thế mà dân sành chơi tử tế đồng hồ bùi ngùi truyền mồm nhau một giai thoại. Một ông quan chức cao cấp thời nay (hàm thượng thư hồi xưa), khét tiếng đông tiền. Tiền của ông hình như là tiền “sạch”, nên ông rất tự hào khi tự tay mua một cái Rolex giá xấp xỉ trăm ngàn Mỹ kim. Trong một bữa nhậu thân mật, một người ngồi cùng tỏ ý hoài nghi chất lượng của cái đồng hồ đó. Lập tức ông ta tháo đồng hồ, cho ngay vào nồi lẩu đang sôi sình sịch. Để đúng năm phút mới vớt, đồng hồ vẫn chạy tốt. Cổ nhân xót xa bảo, “y phục xứng kỳ đức”. Thế nhưng, cho dù may mắn sở hữu được những vật dụng cao cấp, không có nghĩa đã là nhân cách cao cấp.
 
Danh họa Salvador Dali có vẽ bức “the Persistence of Memory”, đại loại nói về sự dai dẳng của ký ức, siêu thực tả vài chiếc đồng hồ rất thật rất đẹp đang chảy nhão. Có phải ý Dali muốn nói về sự bất lực của sự đo đếm thời gian. Không biết. Chỉ biết mấy đồng hồ đấy như là đồ “dỏm” khi nhỡ bị chủ nhân của nó trọc phú huyênh hoang ném vào nồi lẩu cốt để chứng tỏ. Nếu đúng vậy thì họa phẩm kiệt tác này nên đổi tên là “đồng hồ của những đàn ông Việt đang giàu”.
 
Có phải vậy chăng mà người Việt hôm nay dù đã dư dật tiền, nhưng vẫn vắng hẳn một giới thượng lưu quý tộc.

Bài: Nguyễn Việt Hà

Đàn ông xin lỗi – một tản văn dí dỏm khác của nhà văn Nguyễn Việt Hà: 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.